Vào lúc 14h45 ngày thứ bảy 20/2/2016, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong đã mời Bác sĩ Lâm Hiếu Minh_ Phó Khoa tâm lý Khoa Tâm thần nhi ( thuộc Bệnh viện Tâm Thần Thành Phố) đến chia sẻ tại chuyên đề "Trò chuyện với con về giới tính".
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh cho rằng :"Làm cha mẹ cũng phải học, làm cha mẹ cũng phải chuyên nghiệp. Nếu không sẽ có những vấn đề mà cha mẹ không lường trước được. Việc duy trì nói chuyện với trẻ rất quan trọng để hiểu được suy nghĩ của trẻ. Có những trường hợp Thầy cô quan sát và nắm vấn đề của trẻ nhiều hơn phụ huynh. Dường như phụ huynh đã tự đánh mất quyền phát ngôn, quyền tương tác với trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc phụ huynh tự đánh mất quyền định hướng cho đứa con của mình."
Một số câu hỏi được phụ huynh đặt ra trong buổi như:
Câu hỏi: Nếu như nói chuyện về quan hệ tình dục với con thì con có nghĩ rằng ba mẹ đồng ý cho mình quan hệ tình dục hay không?
Giải đáp: Việc trò chuyện với con về giới tính bao gồm nhiều nội dung hỗ trợ lẫn nhau: Tìm hiểu hiểu biết, và quan niệm của con về quan hệ tình dục, cung cấp cho con những thông tin chính xác và cần thiết (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, AIDS, nguy cơ sảy thai khi mang thai ở độ tuổi quá trẻ,...), và chia sẻ với con những giá trị, quan điểm của bố mẹ về quan hệ tình dục. Trẻ ở tuổi này bị nhiều quan điểm tình dục từ truyền thông, bạn bè,... ảnh hưởng. Thế nên bên cạnh việc chia sẻ với con về kiến thức tình dục, cần cho con biết "Bố mẹ nghĩ như thế nào về điều này? Hại chỗ nào?.." Đó là cách bố mẹ cung cấp cho con bức tranh đầy đủ nhất để trẻ định hướng mình trước những cám dỗ xung quanh.
Câu hỏi: Có kênh thông tin nào tin cậy để giúp phụ huynh giáo dục giới tính cho con?
Giải đáp: Phụ huynh có thể liên hệ phòng tư vấn học đường của trường học để nhờ hỗ trợ.
Câu hỏi: Thủ dâm là gì? Ở mức độ nào thì là bình thường và bất thường? Làm cách nào để ngăn cản?
Giải đáp: Thủ dâm là hiện tượng tự kích thích bộ phận sinh dục nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình. Tần suất tùy thuộc vào mỗi người. Nó trở nên bất thường khi trẻ bị ám ảnh và cuốn vào hoạt động đó quá mức, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường nhật (học tập, vui chơi, công việc,...) và các mối quan hệ xung quanh (thu rút, tránh giao tiếp với người khác,...). Ở những trường hợp đó, phụ huynh và trẻ cần nhờ sự hỗ trợ từ những người có chuyên môn ( bác sĩ, trị liệu tâm lý,...). Và một điều quan trọng là phụ huynh cần trò chuyện và tìm hiểu động lực bên dưới thủ dâm là gì ( áp lực, stress, đánh giá thấp bản thân, không có bạn bè,..) để đồng hành cùng trẻ.
Và rất nhiều câu hỏi khác được đặt ra. Thời gian dành cho buổi chuyên đề tuy không đủ dài để giải đáp hết những khắc khoải, thắc mắc của quý phụ huynh đối với chủ đề nhạy cảm này nhưng cũng đủ để mang lại những kiến thức quan trọng về tâm lý trẻ vị thành niên (VTN), những yếu tố nào đang ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các em, và nhận ra tầm quan trọng của phụ huynh trong giai đoạn phát triển này của các em.
Kết thúc buổi, Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Thị Phương Dung ( chuyên viên tham vấn tâm lý học đường tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) gửi lời cám ơn Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, và cô cũng chia sẻ với quý phụ huynh: "Một số phụ huynh cho rằng "Ngày xưa, tôi qua tuổi này cũng bình thường, sao giờ tụi nó tùm lum hết vậy!". Mình nghĩ vui là ngày xưa giống như mình đi đường làng vậy, đi bộ hay đi xe đạp, chầm chậm, ít té hơn. Còn bây giờ, cũng giống mấy em mình cũng giống như chạy xe tay ga trên đường nhựa vậy, mà đường bây giờ ổ gà nhiều lắm! Giờ ta làm sao đây? Lúc đó phụ huynh mà nắm đuôi xe ghịch lại không cho trẻ chạy thì cẩn thận, vì coi chừng lúc đó trẻ té mà phụ huynh cũng té. Mà để trẻ chạy tự do mình cũng không yên tâm, tay ga mà, điều kiện thuận lợi mà, trẻ bây giờ muốn phóng thì đi nhanh hơn mình ngày xưa nhiều. Vậy cách tốt nhất là đồng hành cùng với trẻ, chỉ trẻ thấy " Nè, chỗ này có "ổ gà" nè con, coi chừng!". "Đó, đằng trước có người "té" xe khúc đó kìa!". Chúng tôi biết việc trò chuyện về chủ đề này là khó đối với các phụ huynh lắm, thế nên phòng tư vấn học đường và BS. Lâm Hiếu Minh luôn sẵn sàng hỗ trợ khi quý phụ huynh cần giúp đỡ. Mình cứ đi từng bước, mình cũng không cần phải là chuyên gia để cho con thật nhiều thông tin, chỉ cần trò chuyện, chia sẻ để trẻ có niềm tin rằng "Lần sau nếu mình cần giúp, thì gia đình, ba mẹ là nơi mình tin được, có thể "kêu cứu' được!"
Mọi thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, quý phụ huynh vui lòng liên hệ Phòng tư vấn học đường Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, số ĐT: 08. 3830. 5677, email: [email protected].
P.D